Phân loại cổ phiếu đầu tư

Nguyễn Minh Dũng 09/10/2014
Phân loại cổ phiếu đầu tư

Trên thị trường chứng khoán có hàng ngàn cổ phiếu khác nhau, nhưng ít ai biết mỗi cổ phiếu cũng sẽ có từng loại tính cách và đặc tính khác nhau. Có những cổ phiếu dao động rất mạnh, có một số lại ít dao động. Một số cổ phiếu phụ thuộc vào tình hình của nền kinh tế, còn một số thì lại không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Có những cổ phiếu rủi ro cao với lợi nhuận cao, một số thì an toàn và lợi nhuận thấp. Những nhà đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ chọn những cổ phiếu hoàn toàn khác nhau. Biết và phân loại được những cổ phiếu, chúng ta sẽ chọn những cổ phiếu phù hợp với phong cách đầu tư của chính mình.

So sánh giữa cổ phiếu phòng thủ (Defensive Stocks) và cổ phiếu chu kỳ (Cyclical Stocks)

Để phân loại một cách đơn giản nhất thì có 2 loại cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu chu kỳ

Cổ phiếu phòng thủ

Cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu của những công ty bán các sản phẩm hay dịch vụ thật sự cần thiết. Dù cho kinh tế có đi lên hay đi xuống thì những cổ phiếu này vẫn ổn định và không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi vì đây là những công ty bán các sản phẩm cần thiết như: bàn chải, kem đánh răng, thức ăn, dịch vụ sức khỏe, thuốc men, điện nước,… Dù cho trong bất cứ tình hình kinh tế thế nào đi nữa thì con người vẫn dùng những sản phẩm hay dịch vụ này. Chúng vẫn giữ được doanh thu và lợi nhuận ổn định. Trong điều kiện kinh tế xấu đi thì đây là những cổ phiếu được ưa thích.

Mặt khác, trong trường hợp kinh tế đang bùng nổ thì những cổ phiếu này tỏ ra vẻ tăng trưởng khá chậm chạp so với những cổ phiếu khác. Điều này cũng đúng vì sẽ không có sự tăng đáng kể trong số lượng người sử dụng bàn chải mỗi năm, phải không? Khác với những công ty bán sản phẩm công nghệ như iPhone.

Những cổ phiếu này có beta thấp, ít dao động. Khi thị trường tăng trưởng 10%, có thể cổ phiếu này tăng trưởng 5%. Khi thị trường giảm 10%, những cổ phiếu này giảm đi cũng ít hơn, có khi còn tăng.

Đây là những cổ phiếu dành cho bạn nếu bạn muốn sự an toàn hoặc nền kinh tế đang xấu đi.

Một số cổ phiếu phòng thủ: Macdonald (MCD), Pepsico (PEP), Yum Brands (YUM), Coca-Cola (KO), Walmart (WMT), Colgate-Palmolive (CL), Proter & Gamble (PG), Johnson & Johnson (JNJ),….

Cổ phiếu chu kỳ

Trái ngược với cổ phiếu phòng thủ là cổ phiếu chu kỳ. Những cổ phiếu của công ty này bán những dịch vụ hay sản phẩm mà bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế tốt hay xấu. Những sản phẩm hay dịch vụ này không thật sự cần thiết và có thể xa xỉ như xe hơi, nhà, điện thoại, máy tính, dịch vụ du lịch,… Doanh số của công ty sẽ phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế.

Trong khi nền kinh tế phát triển, mọi người ăn nên làm ra thì sẽ mua sắm những đồ vật xa xỉ nhiều hơn. Dẫn đến, công ty sẽ bán những nhiều sản phẩm, máy tính, điện thoại hơn. Khi nền kinh tế xấu đi, những cổ phiếu này cũng chịu thiệt hại nặng hơn.

Những cổ phiếu này có beta cao. Khi thị trường đi lên, chúng sẽ đi lên nhanh hơn. Khi thị trường đi xuống, nó cũng xuống nhiều hơn.

Bạn hãy chọn cân bằng giữa cổ phiếu phòng thủ và cổ phiếu chu kỳ.

Những cổ phiếu chu kỳ như: Google (GOOG), Apple (AAPL), Citigroup (C), Bank of America (BAC), General Electric (GE), Alcoa (AA), Exxon Mobil (XOM),…

7 loại cổ phiếu đầu tư

Để phân loại kỹ hơn thì ta chia làm 7 loại:

  • Loại 1: Cổ phiếu chia cổ tức (Dividend cash cows)
  • Loại 2: Công ty lớn có thể dự đoán được (Large cap predictables)
  • Loại 3: Công ty lớn tăng trưởng (Large cap growths)
  • Loại 4: Cổ phiếu chu kỳ (Deep Cyclicals)
  • Loại 5: Cổ phiếu đảo chiều (Turnarounds)
  • Loại 6: Công ty nhỏ tăng trưởng nhanh (Small fast growers)
  • Loại 7: Quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số (ETF)

Loại 1: Cổ phiếu chia cổ tức (Dividend cash cows)

Những cổ phiếu này chia tỉ lệ cổ tức cao nhưng không có sự thay đổi nhiều về giá. Những công ty này thường là chiếm lĩnh thị trường và không cần phải phát triển nhiều nữa. Doanh thu, lợi nhuận mà công ty kiếm được không cần phải mở rộng thêm thị trường kinh doanh nữa, mà dùng những lợi nhuận đó chi trả lại cho các cổ đông dưới dạng cổ tức. Giá của chúng không tăng quá nhiều cũng không giảm quá nhiều.

Có tỉ lệ cổ tức 5%/năm trở lên. Có thể dùng Bình quân giá đô là, Mua và giữ.

Ví dụ: Singtel, StarHub,…

Loại 2: Công ty lớn có thể dự đoán được (Large cap predictables)

Đây là những cổ phiếu ưa thích của Warrent Buffet. Những cổ phiếu này bán những sản phẩm hay dịch vụ có thể dự đoán được trong tương lai. Đây là những sản phẩm không bao giờ bị lỗi thời hoặc rất khó để lỗi thời.

Những cổ phiếu không dự đoán được như những sản phẩm công nghệ như Apple, chúng ta không biết được trong vòng 10 năm nữa, người ta còn sử dụng được sản phẩm của Apple nữa hay không. Tương tự trong quá khứ, cách đây 10 năm, sản phẩm của Nokia dẫn đầu thị trường đến 90%. Giá cổ phiếu có khi lên tới $35, nhưng bây giờ rất ít người sử dụng sản phẩm của Nokia và giá cổ phiếu có khi xuống tới $1,64.

Ngược lại, những sản phẩm như Coca cola. Sản phẩm Coca cola vẫn không thay đổi trong cả trăm năm qua, và trong tương lai cũng thế. Đây là sản phẩm có thể dự đoán được.

Những cổ phiếu này thích hợp mua và giữ dài hạn, phù hợp cho những người muốn mua và nhắm mắt giữ trong dài hạn.

Ví dụ: Coca cola, Macdonals, Nike, Visa, ….

Loại 3: Công ty lớn tăng trưởng (Large cap growths)

Như tên gọi của nó, đây là những cổ phiếu của công ty lớn đang tăng trưởng rất nhanh, có thể 20% mỗi năm. Đây thường là những cổ phiếu của công ty về công nghệ. Nó bán những sản phẩm dễ bị thay đổi nhanh chóng và lỗi thời nếu không ngừng cải tiến.

Giá cổ phiếu có khi cao hơn giá trị thực. Một điều tuyệt vời về những cổ phiếu này là nó tăng trưởng rất nhanh, có thể 582% trong 4 năm như Apple.

Ví dụ: Apple, Google, Amazon, ….

Loại 4: Cổ phiếu chu kỳ (Deep Cyclicals)

Các cổ phiếu này khá là rủi ro nhưng bạn sẽ kiếm được nhiều lợi nhuận nếu biết đầu tư đúng thời điểm. Nó phụ thuộc vào chu kỳ của nền kinh tế. Không giống như Cổ phiếu công ty lớn tăng trưởng kiếm lợi nhuận một cách đều đặn bất chấp nền kinh tế.

Ví dụ: ngân hàng, bất động sản,…

Loại 5: Cổ phiếu đảo chiều (Turnarounds)

Nhưng công ty tốt bị dính vào các vụ kiện tụng, tranh chấp, scandal và những tin xấu làm cho giá cổ phiếu xuống thấp. Cổ phiếu có thể rớt từ 20-90% tùy loại. Tuy nhiên, đây là những công ty thực sự tốt, Đến lúc những vấn đề được giải quyết, giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại.

Cách quy tắc khi đầu tư Cổ phiếu đảo chiều

Quy tắc 1: Công ty phải là công ty lớn có lợi thế cạnh tranh bền vững. Tài chính tốt có thể chịu được mất mát tạm thời.

Quy tắc 2: Tin xấu phải là những tin mang tính chất tạm thời, không ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh bền vững. Không đầu tư vào các công ty dính tới scandal tài chính. Chúng thường không bao giờ phục hồi

Quy tắc 3: Chỉ đầu tư khi giá cổ phiếu dưới đáy và bắt đầu xu hướng lên.

Loại 6: Công ty nhỏ tăng trưởng nhanh (Small fast growers)

Đây là những công ty nhỏ, mới phát triển, có vốn hóa thị trường từ dưới $1 đến $10 tỉ USD. Những công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn trong ngành. Apple, Nike, Micrsoft cũng từng là một công ty nhỏ. Nếu chúng ta đầu tư vào những công ty này có thể tăng trưởng hàng trăm lần khi chúng phát triển thành công ty lớn.

Nó cũng rủi ro hơn bởi vì chúng có rào cản kinh tế hẹp, không dẫn đầu thị trường, tài chính yếu, có thể dễ dàng bị phá sản. Chỉ đầu tư khi nó có nợ ít hoặc không nợ, dòng tiền tốt.

Ví dụ: Osim, Goodpack,…

Loại 7: Quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số (ETF)

Đây là một rổ chứng khoán. Bạn không phải đầu tư hay bỏ thời gian ra nghiên cứu báo cáo tài chính của từng công ty cụ thể nào cả. Bạn sẽ không sợ khi đầu tư vào một công ty cụ thể nào đó và dính scandal. Đầu tư vào ETF, chúng ta chỉ quan tâm đến phân tích kỹ thuật. Chỉ đầu tư trong xu hướng lên.

Ở bài viết sau chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về 3 cấp độ của nhà đầu tư, chọn phong cách đầu tư phù hợp cho bạn và cổ phiếu nào thì phù hợp với phong cách đầu tư đó.